Sài Gòn Tạp Pín Lù – Vương Hồng Sển

Sài Gòn tạp pín lù

Tạp pín lù, là “đả biên lô”, tức là món ăn nấu chín gần bên lò lửa; cũng như “ăn sán lẩu” là ăn thịt sống nhúng vào nước sôi bắt trên lò lửa nóng. Số là người Tây bày ra một từ khí làm bằng chì, thiếc, vật kim khí có chân cao giữa khoét lỗ đặt vài cục than cháy, chung quanh là nồi chứa nước thịt ngọt, khách ăn tự lựa từng món ngon: mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi trường, tự gắp bằng đũa và nhúng vào nước thịt đang sôi, rồi tự gắp qua chén và không cần biết món nhúng đã chín hay còn sống sượng. Rồi thì rượu cay, rau sống ngốn nghiến chàm ngoàm cả miệng không thốt ra lời được, món ăn ấy gọi “ăn sán lẩu”, dịch ra Hán tự là sán – sanh (thức ăn còn sống, chưa chín), “lẩu”: lò (lô), ăn Sanh lô, nhưng nếu nói: “sanh lô” ba Tàu không hiểu, phải nói theo họ “ăn sán lẩu”, hoặc ăn “cù lao” vân vân.

Mua sách tại đây

Sài Gòn tạp pín lù – Thay lời tựa

Nếu dịch đúng ra Hán Việt, là “Sài Gòn đã biên lô” vẫn chưa ai hiểu là gì? Tả, tạp là “đả”, đánh; Pín – có hai nghĩa: “pín” là đuôi sam thằng Chệc đời Mãn Thanh, nhưng đây pín có nghĩa là “biên” (Hán tự) và “bên, gần bên” (Nôm). Lù là lò, lò lửa.

Sài Gòn tạp pín lù

Tạp pín lù, là “đả biên lô”, tức là món ăn nấu chín gần bên lò lửa; cũng như “ăn sán lẩu” là ăn thịt sống nhúng vào nước sôi bắt trên lò lửa nóng. Số là người Tây bày ra một từ khí làm bằng chì, thiếc, vật kim khí có chân cao giữa khoét lỗ đặt vài cục than cháy, chung quanh là nồi chứa nước thịt ngọt, khách ăn tự lựa từng món ngon: mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi trường, tự gắp bằng đũa và nhúng vào nước thịt đang sôi, rồi tự gắp qua chén và không cần biết món nhúng đã chín hay còn sống sượng. Rồi thì rượu cay, rau sống ngốn nghiến chàm ngoàm cả miệng không thốt ra lời được, món ăn ấy gọi “ăn sán lẩu”, dịch ra Hán tự là sán – sanh (thức ăn còn sống, chưa chín), “lẩu”: lò (lô), ăn Sanh lô, nhưng nếu nói: “sanh lô” ba Tàu không hiểu, phải nói theo họ “ăn sán lẩu”, hoặc ăn “cù lao” vân vân.

Tiếng miền Nam rắc rối pha chè, người ngoài vô đây, xin khuyên đừng ham “nói chữ”.

Sài Gòn tạp pín lù, nôm na là Sài Gòn thập cẩm, Sài Gòn tào lao, Sài Gòn ba lăng nhăng, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Sài Gòn sán lẩu cũng được, nhưng tạm dùng danh từ tạp pín lù. Nếu nói theo Bắc thì “Sài Gòn thập cẩm; nếu nói theo Trung thì “Sài Gòn tào lao”, nhưng tác giả sanh tại Sóc Trăng (Nam Kỳ) nên: tập nầy danh gọi Sài Gòn tạp pín lù là vì vậy.

TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC

Sài Gòn Tạp Pín Lù

Hôm nay, 6-10-1983, mồng một tháng chín Quí Hợi, ba giờ chiều, đang nằm trên võng đọc sách, bỗng tôi chợt nghĩ và lật đật lên ngồi nào bàn máy, sắp giấy đánh thành mỗi trang ba bản, chưa biết, – nếu lỡ chừng, sẽ gọi là “mục, chương”, nếu viết được nhiều trên trăm trang, thì sẽ gọi hay đặt tên đó là như đã thấy, là: tập thứ ba của bộ Sài gòn năm xưa và sau nầy, nếu có dịp thuận tiện sẽ in thành sách, tiếp theo tập 1 mà có người đã lấy bản Sài gòn, phóng ảnh và in lậu bên Mỹ, bán tận Paris, và cũng là tiếp “tập 2” tôi đã viết xong dưới đây và chưa có dịp xuất bản, và không chừng chẳng có dịp nào xuất bản.

Ô hay! Tại sao trên mâm cơm người Việt, ta được bày hố lốn, nào canh ngon xen với một món “xào khô”, một đĩa ram mặn, xen với nào muối tiêu, nào xì dầu và không quên món chấm quốc túy khi sang là nước mắm nhỉ Phú Quốc, cũng gọi tắt “nước mắm hòn” hoặc nước mắm nhất hảo hạng Mũi Né, khi hèn, buổi xuống chưn, bất kỳ “ngang, ngửa”, nước mắm dư bữa ăn trước, nước muối tiêu có thêm chút đường, chút giấm, được chanh thì càng quí, xếp không trật tự, người ngồi vào mâm muốn gắp, muốn chấm món nào tùy sở thích rồi trái lại, trời đất ơi, khi tôi đang buồn, tôi viết, tôi chơi, trời đất ơi, kêu trời sao cho thấu, khi đọc, độc giả lại rầy tôi viết “thiếu khoa học và không sắp xếp cho ngăn nắp gọn gàng”.

Đã và ngẫu hứng, thưa quí liệt vị, xin làm phước cho tôi được có chút tự do. Và nói túng mà nghe dọn có trật tự như buổi ăn theo Tây: xúp đi trước, cá, gà rồi thịt đỏ thịt rừng, la sấm la sét, đến chừng chán, trật tự cách mấy rồi chán vẫn chán, và mấy ai đã đòi trật tự buổi nầy.

Trở lại câu chuyện viết lách, tỷ như viết “hồi ký”, “nhựt ký” làm vầy vô hà trật tự. Quí vị sẽ thấy: tôi vui đâu chúc đó, hứng khi nào, viết khi nấy viết xong, khi toan đóng lại thành tập, bỗng đổi ý tôi chừng ấy mới sắp lại, tàm tạm cho có chừng, và trật tự nỗi gì?

Một cái bánh ngon, là cái bánh nguyên, vừa mới ra lò, còn nóng hổi, “vừa thổi vừa ăn” tôi muốn nói tập 1; đến như tập 3 nầy, vì còn chút đường dư bột vụn, tôi o bế lại cho đỡ cơn đói lòng, quí vị thương tình, xin bớt hay đừng cố chấp.

Tôi thanh minh một lần nữa, khi soạn tập 1, tôi vẫn chưa đọc đủ các tài liệu đã xuất bản rồi, và sau đây, vừa mới đây, nhơn buồn, lấy sách cũ ra đọc, “bươi đống tro tàn” vụt thấy vài truyện hay hay, bèn chép ra đây, rõ là “xà bần, thập cẩm”, “Tạp pín lù”.

Muốn dùng muốn đọc muốn cho vào xọt giấy, đều được, chỉ xin chút cảm thông là đáng quí rồi và không khách sáo: đây xin muôn vàn tạ ơn lòng.

 Vương Hồng Sển

Trả lời