Hồi đó ở Sa Kỳ
Trong ngôi nhà bên hông chợ Hàn-Đà Nẵng, ít ai biết cô Trần Thị Chính là người con gái năm xưa tay không bắt sống lính Mỹ trên chiến trường Quảng Đà. Lên 6 tuổi, Chính đã phải chứng kiến cảnh cha mình hy sinh khi Ngô Đình Diệm dùng luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam; mẹ cũng bị bom giặc giết hại. Nỗi đau đã biến thành ngọn lửa cách mạng sục sôi trong lòng Chính. Năm 16 tuổi, được chị gái đưa vào Sài Gòn học may, gặp ánh sáng cách mạng. Ngày đầu tham gia, cô làm liên lạc mật trong nội thành, sau bị lộ, cô Chính trở về thôn Đông Hòa và hóa thân trong vai một chủ tiệm may nhỏ để tiếp tục hoạt động. Cô thợ may duyên dáng, có nụ cười dịu dàng đã nhanh chóng “hớp hồn”, khiến bao tên lính Mỹ, ngụy say mê, đeo đuổi. Nhờ tài gợi chuyện, cô thu thập được nhiều nguồn tin chính xác về những thủ đoạn mới, những địa điểm sắp đi càn của địch.
Những ngày đầu năm 1964, đội công tác diệt tề về Đông Đức hoạt động nhưng chưa kịp rút thì địch càn tới. Trần Thị Chính được phân công bảo vệ 8 thương binh đang ẩn nấp trong vườn mía. Nhưng vườn mía lại nằm ngay trên đường tiến của đoàn xe bọc thép 22 chiếc đang dàn hàng ngang ầm ầm lao tới. Trong tình thế khẩn trương đó, cô Chính đã lao ra nằm chặn ngay trước mũi đoàn xe, miệng la lớn: “Các anh ơi, đừng chà mía, chà mía nhà em chết đói mất”. Đoàn xe vẫn không giảm tốc độ. 4m, 3m rồi 2m, chiếc M113 bỗng phanh kít lại cách Chính chỉ vài gang tay. Tên sĩ quan ngay cầm ba-toong nhảy xuống, tức tối phang tới tấp vào người cô gái, hỏi: “Cộng sản biểu mi ra chặn xe hử? Không khai mau, tao giết!”. Trần Thị Chính bình tĩnh đáp: “Không ai biểu tui hết. Ba mẹ tui chết cả, mình tui phải nuôi 6 đứa em. Các ông chà mía thì chà tui trước để tui khỏi thấy mấy đứa em tui chết đói”. Đuối lý trước cô thôn nữ cứng cỏi, tên chỉ huy đành cho đoàn xe ngoặt sang hướng khác…
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.