Tiếng chim hót trong bụi mận gai đã khắc họa rất thành công những định kiến xã hội khắc khe thời đó và sự kìm hãm mang tên giai cấp, đã giày vò suốt ba thế hệ. Bắt đầy từ Fiona, mẹ của Meggie vốn sinh ra trong dòng dõi danh gia vọng tộc nhưng vì có thai với người yêu nên bị bắt phải kết hôn với người chăn cừu. Tác giả đã lấy bối cảnh nước Úc và các nước Châu Âu từ năm 1915 đến 1969 để khắc học được bức tranh thiên nhiên hoang dại miền Nam nước Úc, sự khắc nghiệt của thế chiến thứ hai và những cuộc chiến đấu giành giật thuộc địa của các cường quốc. Từ đó để làm nổi bật lên tình yêu, tình người, nỗi đau mất mát, sự hi sinh và cả sức sống mãnh liệt sau thiên tai, sau chiến tranh của thiên nhiên và con người.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai – Ngay từ lời tựa của tác phẩm, độc giả đã có ấn tượng về một câu chuyện tình yêu bi thương sẽ được viết ra. Đúng vậy, mối tình nghịch thiên giữa nàng Meggie Cleary và Cha xứ Ralp de Bricassart cách nhau 19 tuổi, ngay từ khi bắt đầu đã biết được sẽ có kết thúc không trọn vẹn, để từ đó mở ra liên tiếp những bi thương kéo dài suốt cả ba thế hệ. Dù có bi thương nhưng tất cả những gì đọng lại vẫn là cái đẹp trường tồn vĩnh hằng. Cũng giống như tiếng chim muốn được hót lên một lần duy nhất trong đời thì phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhưng lại khiến người ta đắm say cả một đời, cô bé Meggie và cha Ralp đã chấp nhận hi sinh để giữ lại tình yêu của mình dành cho đối phương.
Vì áp lực cơm áo gạo tiền nên ba của Meggie phải làm thuê cho người chị gái giàu có. Đến cô gái Meggie, vì đem lòng một người mãi mãi không bao giờ có thể đáp lại được tình yêu thuần khiết của cô vì đó là cha xứ người thuộc về chúa, nên cô đành trao mình cho một kẻ ích kỉ, tằn tiện. Con của Meggie, Justine một người đã phải trải qua rất nhiều khó khăn sóng gió mới đến được với người mình yêu một người phải ra đi mãi mãi như một lời khẳng định kết quả của một một tình yêu không được chấp nhận không bao giờ được tồn tại trên cõi đời.
Cái hay của tác giả Colleen McCullough chính là làm nổi bật lên những định kiến xã hội xuyên suốt cả ba thế hệ, thông qua câu chuyện tình yêu đầy bi thương đau khổ của họ. Dù thời gian đã đi qua từng thế hệ, dù có sự khác biệt trong tính cách nhưng đầu giống nhau ở số phận bi thương, không một ai trong số họ có được một tình yêu kết thúc hạnh phúc trọn vẹn bởi vì tư duy vô hình đã buộc chặt lấy họ, khiến họ không còn khao khác mưu cầu hạnh phúc nữa.
Và ngay chính gia đình của họ cũng không cho phép cái ranh giới vô hình kia được phá bỏ. Tác phẩm làm cho người đọc cảm thấy đau đớn khi hạnh phúc của con người trở nên rẻ mạt, thấy xót xa cho tình yêu là thứ thiêng liêng nhất trên thế gian này lại phải bỏ cuộc quỳ gối trước những định kiến do chính con người tự tạo ra.
Tác phẩm này có thể gọi là “Xaga về gia đình Cleary”. Xaga là hình thức văn xuôi cổ có tính anh hùng ca, kể chuyện một cách điềm đạm về những con người hùng dũng. Cuốn tiểu thuyết này viết về lịch sử nửa thế kỷ của ba thế hệ một gia đình lao động – gia đình Cleary. Loại tiểu thuyết lịch sử gia đình từ trước đã có những thành công như thiên sử thi vè dòng họ Foocxaitơ của Gônxuocthy, “Gia đình Tibô” của Rôgiê Mactanh duy Gar. “Gia đình Artamônôp” của M. Gorki. Đặc điểm chung của các tác phẩm đó là số phận gia đình tiêu biểu cho số phận của giaia cấp tư sản, các thế hệ sau đoạn tuyệt với truyền thống của gia đình. So sánh với những tác phẩm kể trên thì tác phẩm của McCulough có sự khác biệt, có cái độc đáo riêng của nó. Trước hết, đây là lịch sử của một gia đình lao động. Sự phát triển, tính kế thừa và đổi mới của ba thế hệ gia đình này là hình mẫu thu nhỏ của lịch sử dân tộc. Các thế hệ sau kế thừa những nét tốt đẹp nhất của gia đình – tính cần cù, tự chủ, tính kiên cường đón nhận những đòn ác liệt của số phận, lòng tự hào gia đình, song đồng thời có những đổi khác nhịp bước với thời đại. Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận thì con gái bà là Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa trời, và Jaxtina, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác. Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý – đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp – xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật – Fiona, Meggie – con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart.
Trong tác phẩm quy mô lớn này, những xung đột tâm lý – tinh thần của nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt bạn đọc. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hòa, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ hủy diệt.
Tính hiện thực và lãng mạn trong tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai hòa lẫn vào nhau tới mức nhuần nhị. Sự miêu tả tỉ mỉ bằng hình thức của bản thân đời sống, cả từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của nhân vật, cho đến cách xén lông cừu, nếp sống hàng ngày…, lối kể chuyện thong thả theo trình tự thời gian khiến cho tác phẩm gần với loại tiểu thuyết hiện thực thế kỷ 19. Nhưng những tính cách phi thường rực rỡ biểu hiện trong những biến cố đột ngột, đầy hấp dẫn tạo nên màu sắc lãng mạn rất rõ nét. Môt tác phẩm văn học Mỹ thời nay xa lạ với những cảnh hung bạo, với “sex”, với “phản nhân vật” đưa bạn đọc trở về với những vấn đề “nhà” (theo nghĩa quê hương), “cội nguồn”, “cha và con” mà lại được ham chuộng như thế ở phương Tây thì đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.