Đối với A.Tôlxtôi, tác phẩm cũng chính là cuộc đời ông. Ông đã sống, đau khổ, đi đến niềm vui, ánh sáng cùng với nhân vật của mình. Con đường của nhân vật chính là con đường của tác giả, con đường đi từ những hoài nghi, những dằng xé của cuộc đời cô đơn, trống rỗng đến cuộc đời lớn của nhân dân và cách mạng.
Têlêghin là người đã tìm đến với cách mạng sớm hơn cả và đã tìm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc chiến đấu sống còn. Ở chỗ kết thúc của tất cả những nhân vật gần gũi với chàng về nếp sống tinh thần, Têlêghin đã tìm ra điểm khởi đầu trên con đường đến với cách mạng. Tin tưởng vào lương tri của mình; chân thành, giản dị, từng bước một, Têlêghin đã lao vào giữa cuộc đấu tranh, trải qua những thử thách khốc liệt, và dần dần thay đổi cả cuộc sống của mình. Trong các tập sau của bộ tiểu thuyết, Têlêghin không còn là chàng kỹ sư “tốt bụng”, dễ dãi, ngây thơ như trong tập I. Cách mạng đã nâng người chàng lên trên mức bình thường. Tràn đầy nhiệt huyết trong cuộc chiến đấu lớn lao, Têlêghin đã có những chuyển biến hết sức sâu sắc trong nhận thức về cách mạng cũng như trong những góc sâu kín của tình cảm riêng tư. Nhân vật đã ngang tầm thời đại.
Thoạt mới nhìn, Têlêghin là một người thông thường, một con người không có những xung đột nội tâm gay gắt và do đó có thể ít thú vị hơn so với tính chất sắc nét trong con người Rôstin. Nhưng đây chính là dụng ý của A.Tôlxtôi trong cách miêu tả nhân vật: cái giản dị, “thông thường” của Têlêghin càng làm nổi bật lên những phẩm chất bên trong phong phú của chàng.
Têlêghin là một tính cách Nga điển hình, và sự phong phú tinh thần của chàng có cội nguồn nhân dân. Qua Têlêghin, A.Tôlxtôi muốn bộc lộ sự lớn lên của hàng triệu trí thức gần gũi với nhân dân lao động. Và con đường của Têlêghin, sự chiến thắng của chàng trong đấu tranh thể hiện sự chiến thắng của tinh thần nhân dân, tinh thần thời đại đối với giới trí thức tư sản, mà tiêu biểu có lẽ là nhà thơ Becxônôv suy đồi. Tính cách của Têlêghin đối lập với tính cách của Becxônôv như thể ánh sáng và bóng đêm. Têlêghin phong phú mà Becxônôv nghèo nàn, Têlêghin chân thành mà Becxônôv giả trá, Têlêghin nồng nhiệt còn Becxônôv thì tinh vi, kiểu cách. Cái chết thê thảm của Becxônôv trong đôi bàn tay tuyệt vọng của một người lính Nga hoàng trước mắt bầy chó sói thèm thịt người, tượng trưng cho sự rẫy chết của một lối sống, một nền văn hóa.
Trong tất cả các nhân vật trí thức của bộ tiểu thuyết, Rôtsin là người gần như duy nhất mang trong mình những xung đột đầy kịch tính, những xung đột làm con người chàng bị phân đôi và dẫn chàng đến bên bờ vực của tự sát – hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Xung đột giữa Rôtsin và hiện thực xã hội là một xung đột có tính quy luật, và cuối cùng A.Tôlxtôi đưa chàng đến sự phục sinh và cải tạo về mặt tinh thần cũng là một kết thúc có cơ sở xã hội và có tính qui luật.
Rôtsin đã đến với Katia trong cuộc sống bế tắc của nàng và vào giờ phút nàng tuyệt vọng, Rôtsin đã đưa bàn tay của mình ra dắt nàng trở về với cuộc sống. Chàng ngỡ rằng tình yêu đối với Katia có thể làm cho mình quay lưng lại thực tại.
Và đến đây bắt đầu một sự xung đột gay gắt giữa chàng và toàn bộ cuộc sống.
Chỉ sau này, khi đã ở trong hàng ngũ của bọn Bạch vệ, tham gia những cuộc chém giết đầy hằn thù để rửa sạch cái mà chàng quan niệm là “nỗi ô nhục” của chàng, chàng mới bắt đầu tự dằn vặt mình về một ý nghĩ quái ác: chàng có đúng không? Từ đó bắt đầu cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của Rôtsin, con người trung thực và vô tư đã “chiến đấu cho sự vĩ đại của nước Nga”, nhưng càng chiến đấu, càng chung đụng với bè lũ Bạch vệ, chàng càng hiểu ra tâm địa xấu xa của bè lũ sĩ quan Bạch vệ, những “chiến hữu” của chàng. Chính bọn này, nhạy cảm trước những ý nghĩ của Rôtsin, đã ngửi thấy cái mùi khang khác ở chàng, và đã xem chàng như một tên gián điệp. Cái quá trình phân đôi đau đớn trong con người Rôtsin đã kết thúc không chỉ vì viên đạn của tên Ônôli đồng ngũ bắn vào người chàng, mà còn là vì Katia luôn luôn sống trong người chàng, ám ảnh chàng, thức tỉnh chàng như lương tri, như lẽ phải. Lên đường đi tìm lại Katia, chàng đã đi tìm lại cuộc sống thật, con người thật của mình. Gặp Tsugai, người cán bộ Hồng quân già dặn vững vàng, cuộc đời Rôtsin như đã được định hướng. Chân lý cuộc sống đã đến với chàng, sáng trong như cô gái Marutxya, như bao người lính Hồng quân công nông chiến đấu cho Tổ quốc Nga chân chính.
Qua Rôtsin, A.Tôlxtôi đã giải quyết được một chủ đề lớn của tác phẩm: chủ đề Tổ quốc Nga. Cùng với việc mô tả sự sụp đổ của bọn Bạch vệ, A.Tôlxtôi cũng vạch rõ sự đổ vỡ của những ảo tưởng về “nước Nga tự do”. Sự xung đột chưa từng có về qui mô lịch sử giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng đã đưa đến những cách nhìn đối nghịch về nước Nga. Tổ quốc Nga được hiểu theo hai nghĩa từ chỗ đứng và cách nhìn khác nhau. Tổ quốc của Công Nông, của nhân dân lao động đấy mới là Tổ quốc chân chính. Tổ quốc và cách mạng không phải là một cái gì cách biệt, đối lập: thông qua đấu tranh, nội chiến cách mạng, một nước Nga mới, hùng cường đã ra đời. Bộ tiểu thuyết khép lại bằng cảnh thuyết trình về kế hoạch điện khí hóa nước Nga với hình ảnh của Lê-nin: trải qua thử thách, trải qua gian khổ tột cùng, vầng mặt trời chói lọi của ngày mai đã mọc trên giải đất Nga mênh mông băng giá. “Con người đã đi vào cuộc chiến đấu sống mái với thú dữ. Con người phải thắng… Vào một buổi sáng ảm đạm chúng ta đã ra đi để giành một ngày mai xán lạn…” câu nói của Têlêghin cũng chính là chủ đề của tác phẩm.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.