M. Solokhov là một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học Xô Viết, với những tác phẩm đặc sắc mang tính sử thi về đất và người Cazac vùng sông Đông quả cảm. Tiểu thuyết 4 tập Sông Đông êm đềm và truyện ngắn Số phận con người là những kiệt tác kinh điển của văn chương Nga và thế giới thế kỉ XX.
Mikhail Alecxandrovich Solokhov sinh tại vùng sông Đông ở miền Nam nước Nga trong một gia đình nông dân, mẹ là người Ucraina, vốn mù chữ nhưng đã tự học để viết thư khi con trai đi học ở tỉnh khác. Từ tuổi thiếu niên M. Solokhov đã chứng kiến và trực tiếp tham gia (năm 1918 ông làm việc trong Đội vũ trang trưng thu lương thực) vào những sự kiện bi thảm của cuộc chiến giữa Hồng quân và Bạch vệ, đặc biệt là cuộc nổi dậy của những người Cazac vùng Thượng Sông Đông đòi quyền tự trị.
Sau nội chiến M. Solokhov tới Moxcva, vừa làm công nhân bốc vác, nhân viên kế toán vừa tham gia nhóm văn học Cận vệ trẻ (Молодая Гвардия) và đăng tiểu phẩm văn học đầu tiên trên tờ báo Sự thật Thanh niên (Комсомольская Правда). Năm 1926 ông xuất bản cuốn sách đầu tiên Truyện Sông Đông – tập truyện ngắn viết về cuộc nội chiến đẫm máu ở quê ông. Khác với các nhà văn cùng thời, M. Solokhov không lãng mạn hóa cuộc đấu tranh, không ca ngợi “nơớc Nga được rửa bằng máu”, mà đưa vào văn học những bức tranh hiện thực tàn nhẫn, trần trụi của cuộc sống.
Cũng từ đó M. Solokhov trở về sống ở làng quê cho tới tận cuối đời và bắt đầu sáng tác bộ tiểu thuyết đồ sộ Sông Đông êm đềm (1926-1940; tập 1 và 2 in năm 1928-1929, tập 3 in năm 1932-1933, tập 4 in năm 1937-1940). Đây là một trong những tác phẩm lớn nhất của nền văn học Xô Viết, một thiên sử thi về Thế chiến I, cách mạng, nội chiến diễn ra trên mảnh đất Nga. Nhơng thành công chính của M. Solokhov không phải ở sự mô tả hoành tráng các sự kiện lịch sử, mà ở những số phận con người được khắc họa: Sông Đông êm đềm chứng minh rằng cá nhân chưa biến mất khỏi văn học, số phận nhân vật chính Grigori Melekhov phản ánh bi kịch toàn dân trong bước ngoặt dữ dội của lịch sử.
Đầu những năm 1930, trong bối cảnh công cuộc tập thể hóa nông thôn, M. Solokhov tạm ngừng Sông Đông êm đềm để viết bộ tiểu thuyết lớn thứ hai của ông Đất vỡ hoang, tập 1 được đăng tải từng phần từ năm 1932, còn tập 2 phải gần 30 năm sau mới hoàn thành. Trong Thế chiến II, M. Solokhov là phóng viên mặt trận của báo Sự thật (Правда). Tháng 6 năm 1942, một năm sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, M. Solokhov viết Khoa học căm thù kêu gọi “mang căm thù trên đầu lưỡi lê” giết giặc.
Năm 1943 ông đăng tải trên báo Sự thật cuốn tiểu thuyết thứ ba Họ đã chiến đấu vì Tổ Quốc nói về cuộc sống khắc nghiệt của những người lính trong chiến hào, nhưng tác phẩm đến cuối đời Sholokhov vẫn chưa được hoàn thành. Trong số báo Sự thật cuối cùng của năm 1956 xuất hiện truyện ngắn kiệt tác của M. Solokhov Số phận con người nói về số phận và chủ nghĩa anh hùng của người lính Nga bình dị.
Năm 1955, cả Liên Xô kỉ niệm 50 năm ngày sinh M. Solokhov, ông được nhận Huân chương Lênin đầu tiên (về sau ông còn được nhận hai lần nữa); năm 1956 ông phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX; năm 1959 ông tháp tùng Tổng Bí thư Khrusov trong các chuyến đi nơớc ngoài ở Châu Âu và Mỹ; năm 1961 ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô; ông là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Anh hùng Lao động Liên Xô. Năm 60 tuổi, M. Solokhov là nhà văn Nga thứ ba nhận giải Nobel Văn học vì những tác phẩm mang tính sử thi về vùng Cazac sông Đông. Từ cuối những năm 1950 ông viết rất ít.
M. Solokhov được coi là niềm tự hào, là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Xô Viết, nhưng cuộc đời ông gặp không ít gian nan. Cả Sông Đông êm đềm lẫn Đất vỡ hoang ngay từ khi ra đời đã bị phê phán nặng nề từ phía giới phê bình chính thống vì “thiếu lập trường vô sản, ca ngợi Bạch vệ, culắc”. Trong những năm 1930 bản thân ông suýt bị bắt và buộc tội phản động. M. Solokhov còn bị lên án đạo văn với tiểu thuyết Sông Đông êm đềm – nghi án kéo dài hơn nửa thế kỉ, đầu tiên do những nhà văn vô sản khởi xướng, đến những năm 1970 được một số nhà nghiên cứu khác tiếp tục (ý kiến của họ được một nhà văn Nga đoạt giải Nobel khác là Solzhenitsyn ủng hộ). Tuy nhiên cho đến nay chưa ai tìm ra chứng cứ thuyết phục về việc đó.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.