Còn Chút Gì Để Nhớ – Nhớ Một Chút Gì Đó Đã Từng

còn chút gì để nhớ

Còn chút gì để nhớ của tác giả Nguyễn Nhật Ánh – Một thời thanh xuân ở đó, còn một chút gì thổn thức trong tim.

“Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên.”

Mua sách tại đây !!!

Tình yêu cũng thật lạ, nhiều lần chắc ta cũng lấy làm ngạc nhiên ko hiểu tại sao người đã cư xử với ta tệ bạc thế, ta vẫn cứ nuôi trong lòng một tình yêu đẹp đẽ và một niềm hy vọng mơ hồ với người.
Hẳn đã nhiều lần ta tìm mọi lý lẽ để lên án người, để tự chứng minh rằng đó là một con người tầm thường, bội bạc, ko đáng để nhớ thương chút nào nhưng vẫn ko thể thuyết phục đc trái tim ngốc nghếch, ù lì…
Những ngày, những tháng, những năm lặng lẽ và lạnh lùng lướt qua những cuộc đời, những số phận. Ta đã trưởng thành, người cũng vậy. Chúng ta có cuộc sống riêng, mối lo riêng, và những mảnh tình khác. Thời gian và nỗi lo toan phủ những lớp bụi mờ lên trí nhớ ngày một già nua, chậm chạp.

Tóm tắt truyện

Mua sách tại đây !!!

Còn chút gì để nhớ

Câu chuyện kể về Chương – với hoài niệm về mối tình đầu từ khi cậu còn học cấp 3 cho đến khi trưởng thành. Bối cảnh câu chuyện trải dài từ những năm Chương còn là 1 cậu bé học cấp 3 ở một miền quê nghèo đến khi cậu đỗ đại học ở Sài Gòn và trở thành một thầy giáo.

Những năm trước khi giải phóng Sài gòn, Chương là con trai trong một gia đình có 6 người con..và ở cái đất nghèo, đầy nắng gió như miền trung, có thể được ăn học hết cấp 3, và nuôi ý định thi đại học quả là một sự cố gắng của cậu bé đó. Chương sau khi tốt nghiệp cấp 3, đã khăn gói lên đường vào Sài Gòn để ôn thi đại học Sư Phạm. Cậu được gia đình gửi nhờ vào 1 nhà họ hàng – cũng không lấy gì làm sung túc – mà cậu biết đến với cái tên Dì Ba. Trải qua vài chuyện dở mếu dở cười khi lần đầu Nam tiến, Chương đã dần quen với cuộc sống nơi đây với sự giúp đỡ của Lan Anh- con gái Dì Ba. Từ 1 sự tình cờ và cũng qua Lan Anh, Chương làm quen với chị em nhà Bác Tám – hàng xóm sát vách với nhà dì Ba. Trong số bốn chị em nhà bác Tám, trừ thằng nhóc em út còn nhỏ và bà chị cả lớn nhất đang đi làm, Chương chơi thân hơn hẳn với Trâm và Quỳnh. Trâm với bản tính lanh lẹn, tự nhiên., đã nhanh chóng kết bạn với Chương..còn Quỳnh xinh xắn, dễ thương, cộng với đôi mắt biết nói đã khiến cậu bé thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trải qua thời gian ôn thi đại học, tiếp xúc nhiều với 2 chị em. Chương càng có cảm tình hơn với Quỳnh.Tình cảm tự nhiên này rất được Trâm và Lan Anh ủng hộ , giúp đỡ.

Về phần Chương, sau khi có kết quả đỗ đại học. Cậu rất sung sướng. Thời gian học đại học , cậu kết thân với Kim Dung- 1 cô bạn với tính cách khá lạ,không kém phần thú vị và Bảo- cậu bạn cùng nhóm học tập. Cả 3 chơi với nhau rất thân thiết. Kim Dung và Bảo đã giúp đỡ Chương rất nhiều trong cuộc sống. Cũng chính vì thế mà Quỳnh tỏ ý không thích Kim Dung..xong những hiểu lầm cũng được xóa bỏ. tình cảm giữa Quỳnh và Chương vẫn tốt đẹp. Ba má Quỳnh cũng rất quý Chương, có ngỏ ý sẽ tính chuyện của 2 người chừng nào Chương học xong đại học. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cậu học hành chăm chỉ hơn.

Giải Phóng Sài Gòn, Chương thu xếp về thăm nhà. Ba Chương là sĩ quan trong chế độ cũ nên đã được đưa đi học cải tạo. Gia đình may mắn vẫn đầy đủ. Song cuộc sống có phần khó khăn. Chương được ba mẹ động viên, quay lại Sài gòn học nốt đại học. Khi trở lại Sài Gòn, cuộc sống của Chương trở nên vất vả hơn trước. Chương cùng với Bảo đi đạp xích lô thuê để tự trang trải phần nào. Cùng với sự giúp đỡ của Kim Dung, năm cuối đại học đã trôi đi êm ả. Nhưng trong thời gian này, Chương mơ hồ nhận thấy tình cảm của Quỳnh đối với mình không còn như trước. Gia đình Quỳnh cũng đối xử với cậu một cách xã giao mà cậu không rõ được lý do.

còn chút gì để nhớ

Chỉ còn Trâm vẫn đối xử tự nhiên với cậu, nhưng chị cũng không nói nguyên nhân tại sao lại có sự thay đổi như vậy. Sau khi xác nhận tình cảm của Quỳnh đã không còn, Chương rất đau khổ. Anh đã xin đi dạy ở một tỉnh miền tây nhằm cố quên đi những kỷ niệm về Quỳnh. Hai người bạn chí cốt cũng được phân về mỗi tỉnh khác nhau, hẹn ngày gặp mặt. Công việc cũng giúp Chương nguôi ngoai đi phần nào kỷ niệm cũ. Nhưng anh vẫn nhớ đến Quỳnh, vẫn nhớ tình yêu đầu đẹp đẽ ấy. Chương biệt tích, không liên lạc với ai trừ hai người bạn và gia đình ở quê.

Vài năm sau đó, Chương mới trở lại Sài Gòn thăm mọi người và biết được sự thật. Trâm tham gia bộ đội và đã hy sinh. Chỉ để lại một bức thư cho anh, nói rõ sự thật mà Chương vẫn luôn muốn biết trước đó..rằng tại sao tình cảm của Quỳnh lại thay đổi..Quỳnh không xứng với tình cảm của anh như thế .Và Chương đã khóc.

Hồi kết câu chuyện, những người thân của Chương đều có cuộc sống riêng của mình. Anh thì vẫn ở vậy. vẫn nhớ về mối tình đầu của mình, dù Anh biết chắc rằng nó đã chết. Song Anh vẫn tự hỏi, trong vô vàn kỷ niệm đẹp đẽ ấy, đối với Quỳnh, liệu có còn chút gì để nhớ …

Đôi điều cảm nhận về sách Còn chút gì để nhớ

“Còn chút gì để nhớ” không phải là cuốn sách hay nhất của bác Ánh đối với mình nhưng là quyển da diết nhất, da diết hơn cả “Mắt biếc” .

Văn phong của bác Ánh lúc nào cũng vừa đủ, giản dị vừa đủ, hài hước vừa đủ, chân chất vừa đủ. Cái đủ làm người ta vừa lòng. Cốt chuyện thường khá đơn giản, luôn là những câu chuyện gần gũi mộc mạc của tuổi mới lớn với đủ vui buồn, hờn giận, những câu chuyện khiến bất kì ai đọc cũng thấy mình trong đó. Giọng văn chân chất của người Quảng Nam dễ làm người ta cảm mến, muốn đọc, muốn thương.

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở: Ai cũng sẽ có hoặc đã đi qua thời thanh xuân đẹp đẽ “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa.” Và có lẽ ai cũng có một mối tình thuở thiếu thời để nhớ về.  Ai đó  đã từng nói “Yêu đúng người là tình yêu, yêu sai người là tuổi trẻ.” Cũng như những cuộc tình khác, Chương và Quỳnh cũng trải qua nhiều kỷ niệm đẹp, từ những khoảnh khắc nhỏ như khi Chương đạp  xe chở Quỳnh đi học hay khoảnh khắc Chương hái hoa cho Quỳnh bị chủ nhà bắt gặp, từ những nhút nhát ban đầu đến những lần dạy kèm cho Quỳnh Một tình yêu không cần nói thành lời mà ai cũng cảm nhận được. Nhưng cũng chính vì không nói, mà người ta có cớ để rời xa nhau.“ Em chưa bao giờ nói yêu anh Chương, anh Chương cũng chưa bao giờ nói yêu em, nên không thể  bảo em phản bội anh ấy được.” Thật ra tình yêu trong tác phẩm  này nó dễ thương, nhưng đó không phải  là điều làm mình day dứt, không phải là điều mình quá tiếc nuối.

Mình thật sự không ấn tượng nhiều với hai nhân vật chính. Chương là người khá nhút nhát, chân thật, không có điểm gì quá nổi trội. Còn Quỳnh thì ban đầu, mình đã có thiện cảm, hồn nhiên trong sáng. Nhưng đến cuối thì mình thất vọng. Mình hiểu được tại sao, nhưng mình không  thích tính cách đó. Lúc hạnh phúc bình yên, Quỳnh bên Chương, lúc khó khăn sóng gió, Quỳnh dễ dàng chọn một lối đi bằng phẳng hơn. Một con người không muốn đấu tranh, ngay cả trong tình yêu, ngay cả cho hạnh phúc của chính mình. Muốn nhưng không dám chịu khổ, không dám đi theo trái tim mình. Mình không tiếc nuối cho tình yêu này, có chăng mình chỉ tiếc cho Chương. Nhưng có lẽ, tình đầu là thế, thanh xuân là thế. Người không chịu cùng bạn khi khó khăn, lấy  tư cách gì cùng bạn khi hạnh phúc.

Trong truyện mình lại cực kỳ ấn tượng với hai nhân vật phụ, hai người bạn của Chương, là Trâm và Kim Dung. Trâm là chị gái của Quỳnh, mọt con người đanh đá, bộp chộp, không nhẹ nhàng ý tứ như Quỳnh. Mình đọc đủ nhiều để đem lòng yêu quý những nhân vật như Trâm, giống như Rosa trong “Kẻ trộm sách”, giống như Nguyệt trong “Em là nhà”. Những người mà cách cư xử bên ngoài chẳng nói lên điều gì bên trong, ấm áp và đáng trân trọng. Mình đã không khóc vì mối tình dang dở của Chương và Quỳnh, nhưng mình khóc vì bức thư của Trâm. Có lẽ sau này mình có thể quên Chương quên Quỳnh, nhưng mình sẽ mãi nhớ Trâm-chân thành và đáng khâm phục . Còn Kim Dung, cá tính, hào sảng -một kiểu người mà mình luôn ngưỡng mộ, ngay cả bây giờ cũng khó mà tìm được người bạn như vậy. Đọc truyện mình cứ mong Chương yêu Kim Dung đi, kiếm đâu ra người tốt vậy, nhưng đời là vậy, tình yêu là vậy, nếu nói tốt mà yêu thì đã không phải tình yêu.

còn chút gì để nhớ

Ngoài tình yêu, tình bạn trong truyện, mình còn thấy tình thân và tình làng xóm, gia đình bác Tám đã từng coi Chương như con, nhưng mình buồn thay cho những người thời đó, và cho cả những người bây giờ nữa. Bác Ánh đã rất khéo léo lồng ghép yếu tố chính trị vào câu truyện, phải nói là chất hơn nước cất. Ngày 30/4 đến, ngày mà đất nước được thống nhất thì chuyện tình đẹp giữa Quỳnh và Chương cũng đã đến lúc chia xa. Mình vẫn còn ngậm ngùi khi nhớ đến câu nói của Chương “Ba tôi đi học tập thì sao, gia đình cách mạng thì sao, tôi có trách nhiệm gì trong chuyện ấy.” nghe mà ngậm ngùi chua xót. Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng qua “Còn chút gì để nhớ”, mình cảm nhận được đúng là “vào cái ngày có hàng triệu người vui thì vẫn còn hàng triệu người buồn.”

“Còn chút gì để nhớ”, cái “chút” ở đây là thanh xuân, là kỉ niệm, là bóng dáng của con người cũng như Sài Gòn năm ấy. Hãy đọc “Còn chút gì để nhớ” để nhớ về tuổi trẻ, hoặc để trân trọng tuổi trẻ cũng như những người từng có duyên gặp gỡ, để biết dũng cảm hơn một chút trong cái thế giới còn nhiều những người hời hợt như Quỳnh.

“Ai nhặt được mùa hè tôi đánh mất
Xin trả lại cho tôi
Xin trả lại cho tôi người yêu tôi
Dẫu chỉ là xác con ve sầu chết khô
Ấy chính là mùa hè của tôi
Ngủ quên trong nách lá
Những ngọt bùi tôi đã nếm trải
Những đắng cay tôi đã nếm trải
Những mùa hè bỏng rát sau lưng
Còn mùa hè cuối cùng tôi gặp lại
Trốn đi đâu ngoài tầm mắt tôi tìm?”

Mua sách tại đây !!!

Trả lời